Lâm nghiệp
Ngân hàng tiếp tay phá rừng ở Indonesia
Tình trạng phá rừng lấy đất trồng cọ dầu diễn ra với quy mô lớn ở Indonesia, gây lo ngại sâu sắc về môi trường sinh thái. Nhưng ít ai biết, đằng sau các dự án phá rừng lập đồn điền là những khoản tín dụng khổng lồ từ các ngân hàng lớn của phương Tây từng cam kết bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
![]() |
Loài đười ươi đặc hữu của đảo Borneo, Indonesia có nguy cơ tuyệt chủng nếu tình trạng phá rừng, đốt rừng làm rẫy trên đảo này không sớm bị chặn đứng. Ảnh: NYT |
Đầu năm 2015, các nhà khoa học nghiên cứu hình ảnh vệ tinh của tổ chức Global Forest Watch đã gióng hồi chuông báo động về tình trạng tàn phá rừng nguyên sinh ở Indonesia. Các nhóm bảo vệ môi trường đã kéo tới hiện trường ở tỉnh Tây Kalimantan trên đảo Borneo và thấy tận mắt một vùng đất hoang cháy nham nhở: những đám cháy vẫn còn bốc khói; những đàn đười ươi bị xua khỏi tổ của chúng và những dấu hiệu cho thấy một lượng rất lớn khí carbon dioxide (CO2) thải vào bầu khí quyển.
“Rừng đã bị đốt. Không còn rừng nữa rồi!”, bà Karmele Llano Sanchez, phụ trách nhóm cứu hộ đười ươi của tổ chức phi lợi nhuận International Animal Rescue, than thở. Nhóm này đang nỗ lực cứu nguy loài đười ươi Borneo có nguy cơ bị tuyệt chủng. Trong mùa đốt rừng năm ngoái nhóm cứu được 50 chú đười ươi đưa về trại chăm sóc, còn năm nay đã cứu được 25 chú, “tất cả đều đói khát, gầy yếu”, bà Sanchez nói.
Hình ảnh vệ tinh của Global Forest Watch cho thấy, rừng ở Tây Kalimantan bị đốt cháy trong các năm 2011-2013 và 2015, đặc biệt có khoảng 11.000 héc ta than bùn vẫn cháy âm ỉ dưới lòng đất nhiều tháng trời. Zamzami, nhân viên tổ chức Greenpeace có mặt ở hiện trường tháng 9-2015 xác nhận vào lúc đó rừng vẫn còn cháy và anh “không thở được vì khói”.
Phá rừng mở đồn điền trồng cọ
Các mũi dùi đều chĩa vào tập đoàn Rajawali - một doanh nghiệp khổng lồ ở địa phương có quan hệ mật thiết với các chính trị gia đầy quyền lực, nhưng ít ai biết rằng một số ngân hàng lớn nhất thế giới đã giúp cho Rajawali mở rộng đồn điền của họ.
Theo điều tra của báo The New York Times, khởi thủy tập đoàn Rajawali điều hành những đồn điền trồng cây cọ dầu của Công ty Green Eagle Holdings - liên doanh giữa Công ty Rajawali với Công ty Louis Dreyfus của Pháp. Nhưng từ năm 2014, Rajawali bắt đầu thâu tóm ngành công nghiệp dầu cọ. Tháng 1-2014, Green Eagle thỏa thuận được khoản vay hợp vốn 120 triệu đô la Mỹ từ một nhóm ngân hàng do Ngân hàng ABN Amro (Hà Lan) đại diện; tháng 7-2014, Green Eagle lại được vay nhiều hơn, 235 triệu đô la, cũng từ một nhóm ngân hàng phương Tây do Credit Suisse (Thụy Sỹ) làm đại diện và có sự tham gia của Bank of America (Mỹ).
Những khoản tín dụng này cho phép Green Eagle mua lại phần vốn của Louis Dreyfus, cũng như đầu tư các nhà máy chế biến mới và mở rộng diện tích đồn điền. Tháng 11-2014, Green Eagle lại sáp nhập với một công ty đồn điền khác, BW Plantation, hình thành tập đoàn Eagle High Plantations trong đó Rajawali nắm đa số cổ phần. Theo bản cáo bạch gửi các nhà đầu tư cuối năm 2014, Eagle High là một trong những công ty có đồn điền trồng cọ lớn nhất Indonesia, sở hữu hơn 1 triệu mẫu đất (acre, 1 acre = 4046 m2).
Ở góc độ kinh doanh, chiến lược thâu tóm và mở rộng của tập đoàn Rajawali không có gì khó hiểu. Ngành công nghiệp dầu cọ đang bùng nổ. Nhu cầu dầu ăn trên toàn thế giới đang tăng mạnh do thu nhập và đời sống được cải thiện ở hai quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ.
Giá đắt về môi trường sinh thái
Nhưng cái giá phải trả về môi trường là không nhỏ. Indonesia, nước trồng cọ và sản xuất nhiều dầu cọ nhất thế giới, đang khuyến khích phát triển ngành hàng này và chính quyền thường làm ngơ trước những hoạt động phá rừng của doanh nghiệp. Nhiều tài liệu cho thấy, Indonesia là nơi có tốc độ mất rừng nhanh nhất thế giới, bình quân mỗi năm mất đi 1,2 triệu mẫu.
Không chỉ ở Indonesia mà cả Đông Nam Á rừng đang mất đi với tốc độ chóng mặt. Khoản vay 235 triệu đô la từ Credit Suisse của tập đoàn Rajawali nói trên chỉ là một phần trong các hợp đồng tín dụng và bảo lãnh có giá trị lên tới 43 tỉ đô la Mỹ tài trợ cho việc phá rừng và đốt rừng ở Đông Nam Á, theo dữ liệu tính toán của các tổ chức Rainforest Action Network có trụ sở tại California, Công ty Tư vấn Profundo của Hà Lan và tổ chức phi chính phủ TuK Indonesia. Số liệu nói trên chắc chắn là chưa hoàn chỉnh vì không phải mọi khoản cho vay đều công khai; cũng chưa bao gồm những khoản cho vay từ các ngân hàng đó cho các dự án lâm nghiệp bên ngoài khu vực Đông Nam Á.
Đồng tiền của các ngân hàng này đã hỗ trợ cho một tiến trình mà các nhà khoa học cho là đã phá hủy hệ sinh thái toàn khu vực Đông Nam Á, xóa bỏ nơi cư trú của những cộng đồng người bản địa và mỗi năm lại bao phủ toàn khu vực từ Jakarta tới Hồng Kông trong một bầu khói mù dày đặc và độc hại.
Trong năm ngoái, có những ngày mà khói bụi phát ra từ những đám cháy rừng ở Indonesia đã vượt quá tổng lượng khí thải của toàn bộ hoạt động kinh tế ở Mỹ. Một nghiên cứu mới đây của hai đại học Harvard và Columbia tính ra rằng nạn cháy rừng gây ra cái chết non cho khoảng 100.000 người dân Đông Nam Á; còn Ngân hàng Thế giới nhận định cháy rừng làm cho kinh tế Indonesia thiệt hại khoảng 16 tỉ đô la Mỹ.
Phá rừng - và những đám cháy thường xuyên đi kèm - cũng tạo ra một phần mười số khí thải gây hiệu ứng nhà kính, làm trái đất nóng lên, và tình trạng mất rừng được coi là tác nhân riêng lẻ lớn nhất gây biến đổi khí hậu trên toàn cầu, theo nghiên cứu của Union of Concerned Scientists. “Phá hủy các khu rừng của thế giới đang làm cho cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu gần như không thực hiện được”, ông Andrew W. Mitchell, Giám đốc điều hành của Global Canopy Programme - chương trình nghiên cứu rừng toàn cầu, than thở.
Nói một đằng làm một nẻo
Tác hại của mất rừng không phải là chuyện mới. Nhưng khi tài trợ vốn cho tập đoàn Rajawali phá rừng lấy đất mở rộng đồn điền, các ngân hàng đã vi phạm những cam kết về phát triển bền vững mà chính họ đề ra. Trong chính sách nông lâm nghiệp ban hành năm 2008, Ngân hàng Credit Suisse xác định sẽ không tài trợ hoặc tư vấn cho những doanh nghiệp hoạt động “trong rừng nguyên sinh nhiệt đới” như những khu rừng ở tỉnh Tây Kalimantan. Trong văn bản “Chính sách ngân hàng” năm 2004, Bank of America cam kết sẽ không tài trợ các dự án thương mại có nguy cơ gây hại các khu rừng nguyên sinh nhiệt đới.
Tuy nhiên, khi bị báo The New York Times truy vấn, liệu việc tài trợ cho các dự án của Rajawali có mâu thuẫn với chính sách của họ hay không, các ngân hàng này hoặc từ chối trả lời hoặc thoái thác trách nhiệm. Bill Halldin, phát ngôn viên của Bank of America, nói rằng trong hợp đồng tín dụng năm 2014 của Rajawali, Bank of America chỉ “có vai trò rất nhỏ”. Ngân hàng ABN Amro và Credit Suisse đều từ chối bình luận về các hợp đồng tín dụng của mình.
Trong khi đó, Sebastian Sharp, phát ngôn viên của Rajawali, thừa nhận tình trạng đốt rừng lấy đất trồng trọt ở Tây Kalimantan là bất hợp pháp nhưng đổ trách nhiệm cho các cộng đồng cư dân địa phương. “Việc đốt rừng do các cộng đồng dân cư địa phương thực hiện và chúng tôi không thể kiểm soát được”, ông Sharp nói trong khi các nhóm hoạt động môi trường cho rằng công ty phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động xảy ra trong phần đất của mình.
“Ngày nay, chắc chắn là chúng tôi phải xem xét kỹ mọi thông tin trước khi đưa ra quyết định cho bất kỳ khách hàng nào vay vốn”, ông Halldin của Bank of America nói, nhưng đó là khi rừng đã biến mất ở Borneo!
Theo Thái Bình / TBKTSG

TIN TỨC KHÁC :
Hướng dẫn kỹ thuật trồng Ớt Sừng Vàng Châu Phi
Hướng dẫn kỹ thuật nhân giống và trồng tre tàu lấy măng
Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây Sắn (khoai mì)
Kỹ thuật trồng và chăm sóc Su hào
Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây hẹ (rau hẹ)
Quy trình kỹ thuật trồng cây ớt sừng trâu
Hướng dẫn kỹ thuật trồng cải xà lách xoong
Hướng dẫn kỹ thuật trồng Nấm mỡ
Quy trình kỹ thuật trồng cây cà chua Đen
Kỹ thuật trồng giống bí đỏ lai F1 - Gold star 998
Hướng dẫn kỹ thuật nuôi cào cào châu chấu
Hướng dẫn thiết kế xây dựng chuồng trại chăn nuôi heo(Cẩm nang chăn nuôi heo - ...
Kỹ thuật thiết kế chuồng nuôi dê
Quy trình kỹ thuật nuôi lợn thịt
Nguyên liệu và cách chế biến thức ăn cho dê
Kỹ thuật chăm sóc heo hậu bị và heo nái chữa
Hướng dẫn phòng bệnh và trị các bệnh thường gặp trên dê nuôi
Các biện pháp phòng trị những bệnh thường gặp ở heo(Cẩm nang chăn nuôi heo - ...
Hướng dẫn kỹ thuật nuôi dế cơm cho năng suất cao
Giới thiệu một số giống heo ngoại nhập khẩu vào Việt Nam
Phương pháp phòng trừ bệnh cháy lá và chết ngọn
Hướng dẫn kỹ thuật trồng Táo tây
Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây khóm (cây dứa)
Hướng dẫn trồng cây hoa Huệ Nhung ra hoa đúng tết
Kỹ thuật Ươm trồng cây lộc vừng và chăm sóc cây lộc vừng
Phương pháp xử lý mãng cầu xiêm ra hoa trái vụ
Hướng dẫn lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho vườn cây ăn trái
Một số lưu ý khi trồng sầu riêng ruột đỏ
Phòng trừ một số sâu bệnh hại trên cây ăn quả có múi
Kỹ thuật trồng chuối đỏ
Quy trình kỹ thuật nuôi lươn không bùn kiểu mới
Hướng dẫn kỹ thuật nuôi ốc bươu đen
Quy trình kỹ thuật nuôi cá Chạch Lấu sinh sản nhân tạo
Kỹ thuật nuôi Cua đồng
Hướng dẫn kỹ thuật nuôi rắn mùng đỏ
Hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá xiêm kiểng
Kỹ thuật nuôi Trăn
Kỹ thuật nuôi rắn Hổ Mang
Giới thiệu các giống cá cảnh phổ biến hiện nay
Kỹ thuật nuôi cá chình trong bể xi măng
Hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng cây Sachi (Sacha inchi)
Hướng dẫn kỹ thuật trồng hồ tiêu trên cây trụ sống
Hướng dẫn kỹ thuật trồng nhân sâm korea
Kỹ Thuật gieo ươm cây keo lai
Quy trình kỹ thuật trồng cây hà thủ ô đỏ
Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây Lan Kim tuyến (Anoectochilus setaceus Blume) - Công dụng của ...
Hướng dẫn cách trồng cây thổ phục linh
Phòng trừ tuyến trùng hại cây cà phê
Kỹ Thuật gieo ươm cây Xoan ta
Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây Óc Chó và Công dụng cây Óc Chó